Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2009

Văn Hóa Xếp Hàng

Một câu hỏi được đặt ra là Việt Nam có văn hóa xếp hàng không?
Nếu máy móc hỏi định nghĩa văn hóa là thì có quá nhiều định nghĩa về từ này nhưng tôi thấy có một điểm chung đó là tính cộng đồng. Nên chuyện có văn hoá xếp hàng hay không thì còn phải xem cả xã hội thế nào.



Tôi xin nêu vài trường hợp thế này:

1. Tôi làm thủ tục kiểm tra vé ở sân bay Nội Bài. Vietnam Airlines có hệ thống căng dây hình zigzag đủ nhỏ để một người và hành lý có thể đẩy qua. Bạn nghĩ rằng sẽ không có sự chen lấn? Sai. Một anh thanh niên vội vàng đẩy xe chứa hàng lý lên ngày trước mặt tôi mặc dù tôi bước đi liền theo người bạn phía trước. Bực mình tôi nói với anh ta: "Anh vui lòng đừng chen lấn, phía sau tôi vẫn còn 2 người nữa." Khi đó anh ta mới thôi lấn lướt và trả lời gọn lỏn: "Biết rồi."

2. Tôi đi xem một hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao ở trung tâm thể dục thể thao Phú Thọ (Sài Gòn). Tôi phải chờ trong một hàng cũng khá dài để gửi xe (tôi đi xe máy). Bỗng có một anh cũng đẹp trai mặc đồ khá bảnh bao và đeo cravat hồng ở đâu phi ngang lên vỉa hè và lao lên ngay trước bánh xe của tôi. Lại bực mình nữa đúng không. Tôi nói với anh: "Cravat trông đẹp vậy mà sao lại chen lấn thế này?". Anh hơi cúi mặt, không nói gì. Tôi hơi lùi để anh chui lên trước.

3. Tôi ăn trưa ở một tiệm KFC, gần Windsor Plaza Hotel (Q5, Sài Gòn), vô tình ngồi chung bàn với hai mẹ con người Việt Nam. Nói chuyện một lúc thì khách đông, chị (người mẹ) kêu tôi quay lại nhìn ở quầy dịch vụ, chị nói: "Người nước ngoài người ta lịch sự, có ý thức ghê. Người ta xếp hàng dài chờ thế kia, còn người Việt mình thì chen đẩy nhau." Quả đúng như chị nói, những người nước ngoài đứng thành một hàng, không thằng như lính diễu binh, nhưng khá thẳng. Còn những người Việt Nam thì bu lại một cụm quay quầy dịch vụ. Đây là một khập khiễng vô cùng lớn. Nếu bạn so sánh người Việt Nam với người nước ngoài ở hai địa điểm khác nhau thì có thể đổ thừa hoàn cảnh nhưng ở cùng một nơi thế này thì đó là vấn đề ý thức. Rất tiếc tôi không đem theo máy chụp hình để ghi lại.

Phải xếp hàng là điều không ai muốn, nhưng nếu phải xếp hàng thì một người phải tuân theo, first-come, first-served mà. Sẵn sàng xếp hàng là một thói quen mà con người nhận thức được. Với cái cách trả lời cụt ngủn trong tình huống 1, tôi không nghĩ anh ta nhận thức được gì. Thường thì người ta hay nói "Ơ, xin lỗi, tôi vô ý quá.".

Việc ý thức và tập dần thói quen là hoàn toàn có thể làm được. Trong câu chuyện với người phụ nữ ở tình huống 3, chị nói vần đề ở đây là giáo dục. Điều này làm tôi nhớ đến một bài thơ hồi cấp một:

Đàn Kiến Nó Đi
Định Hải

“Một đàn kiến nhỏ
Chạy ngược chạy xuôi
Chẳng ra hàng dọc,
Chẳng thành hàng đôi

Chúng em vào lớp,
Sóng bước hai hàng,
Chẳng như kiến nọ,
Rối tinh cả đàn".

Chúng ta được dạy những thứ như thế này ngay từ thuở nhỏ nhưng lớn lên thì đều trả thầy cô rồi. Trong số những lý do mà chúng ta trở thành bầy kiến, có phần lý do liên quan đến kinh tế. Tôi nghĩ là chúng ta từ sống thời bao cấp. Sự thiếu thốn về hàng hoá, dịch vụ làm cho con người phải tranh nhau giành miếng ăn. Cái này ảnh hưởng cả xã hội, chúng ta xuề xòa và bỏ qua mọi chuyện và lâu dần người ta trở nên quen với những thứ như vậy. Cha mẹ không dạy con cái bởi bản thân họ cũng chen nhau, mệnh ai người ấy lấy. Ở phần này tôi thấy, ở Hà Nội hay miền Bắc thấy rất rõ. Người ta có thể chửi cha chửi mẹ, văng tục bất cứ lúc nào chỉ vì hai chiếc xe va quệt nhau. Tôi đi xe taxi dịch vụ vào loại tốt nhât Việt Nam mà tài xế chửi thề rất khó coi chỉ vì một người qua đường làm anh ta chậm mấy giây. Ở Sài Gòn, ít thấy như vậy, phần lớn họ chỉ nói vài câu trách móc, nhắc nhở rồi tất cả cùng đi.
Cũng về chuyện ý thức, chắc các bạn cũng chẳng xa lạ gì chuyện các bạn trẻ Hà Nội bẻ hoa lễ hội anh đào. Trong một bản tin thời sự gần đây, biên tập viên VTV nói hy vọng ý thức sẽ được cải thiện.

Những điều đáng mừng


Ở Sài Gòn, nhiều doanh nghiệp dịch vụ với khách hàng nhiều thường bấm số thứ tự, làm barrier hình zigzag. Tôi nghĩ rằng nếu làm như vậy sẽ tập thói quen phải xếp hàng theo thứ tự. Tôi đi nhiều siêu thị ở Sài Gòn, rất nhiều nơi (không dám khẳng định tất cả vì tôi không thể đi hết các siêu thị được) người ta không chấp nhận chen lấn để tính tiền. Và thực tế tôi cũng ít thấy chuyện chen lấn tính tiền ở siêu thị. Ở rạp chiếu phim như Megastar, người ta cũng căng dây zigzag và chẳng thấy chen lấn.

Bạn nghĩ sao nếu luật pháp quy định những chỗ công cộng như quầy vé ở nhà ga, bến xe bus, nhà hát, rạp cine, bệnh viện, sở thuế hay phòng công chứng phải có dây xích, barrier chăng, giống như việc đội nón bảo hiểm là bắt buộc?

Tôi hy vọng là một ngày nào đó, cà những nơi không có rào chắn người ta cũng ý thức được việc xếp hàng. Đó cũng là nét văn minh đô thị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét


• Nếu bạn không có tài khoản Google/Blogger profile, hay các blog platform khác, bạn vui lòng chọn Name(Tên)/URL thay vì Anonymous (Ẩn danh).